Chính trị Na_Uy

Bài chi tiết: Chính trị Na Uy
Vua Harald VNữ hoàng Sonja của Na Uy (trị vì từ năm 1991) vào năm 2012.Storting là Quốc hội của Na Uy. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg (từ năm 2013) và Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018

Na Uy được công nhận là một trong những nền dân chủ phát triển nhất trên thế giới. Vào năm 1814, đã có 45% nam giới (từ 25 tuổi trở lên) ở Na Uy có quyền bỏ phiếu, trong khi tỉ lệ tương tự của Vương quốc Anh chỉ là 20% vào năm 1832, Thụy Điển là 5% vào năm 1866 và Bỉ là 1,15% vào năm 1840. Từ năm 2010, Na Uy đã được xếp hạng là quốc gia dân chủ nhất thế giới theo Chỉ số Dân chủ.[21][22][23]

Theo Hiến pháp Na Uy, thông qua vào ngày 17 tháng 5 năm 1814 [24] được lấy cảm hứng từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Cách mạng Pháp năm 1776 và 1789, Na Uy là một nhà nước quân chủ lập hiến đơn nhất với một hệ thống chính phủ nghị viện, trong đó Quốc vương Na Uy là nguyên thủ quốc giathủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quyền lực được phân tách giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp của bộ máy chính quyền, theo quy định của Hiến pháp, đóng vai trò là văn bản pháp lý tối cao của đất nước.

Quốc vương về mặt danh nghĩa là chủ thể giữ quyền hành pháp. Nhưng kể từ khi hệ thống chính phủ nghị viện ra đời, nhiệm vụ của quốc vương chủ yếu mang tính chất đại diện và nghi lễ [25] chẳng hạn như bổ nhiệm chính thức và bãi nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng khác trong chính phủ hành pháp. Ngoài ra, Quốc vương cũng là Tổng tư lệnh của Lực lượng Vũ trang Na Uy, giữ chức vụ ngoại giao chính thức ở nước ngoài và là biểu tượng cho sự thống nhất quốc gia. Harald V của Nhà Schleswig-Holstein-Sonderburg-Glücksburg lên ngôi Vua Na Uy năm 1991, hiện đang là Quốc vương nước này.[26] Haakon, Thái tử Na Uy, là người thừa kế hợp pháp và chính đáng của ngai vàng và Vương quốc.

Trên thực tế, Thủ tướng là người thực hiện các quyền hành pháp. Về mặt hiến pháp, quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và Quốc hội Na Uy, nhưng trên thực tế thì Quốc hội chính là cơ quan lập pháp tối cao.[27] Na Uy có cấu trúc cơ bản là một nền dân chủ đại diện. Quốc hội có thể thông qua một đạo luật với đa số đơn giản trong tổng số 169 đại biểu, được bầu trên cơ sở đại diện tỷ lệ từ 19 khu vực bầu cử trên cả nước cho một nhiệm kỳ bốn năm.

Một đảng phải giành được số phiếu bầu chiếm 4% tổng số phiếu trở lên trong cuộc bầu cử quốc gia thì mới có thể giành được ghế trong Quốc hội.[28] Có tổng cộng 169 thành viên trong Quốc hội, được bầu từ 19 khu vuc bầu cử theo phương thức phổ thông đầu phiếu, phục vụ trong một nhiệm kỳ bốn năm.

Quốc hội Na Uy, được gọi là Storting (có nghĩa là Đại hội đồng), là cơ quan lập pháp tối cao của quốc gia. Quốc hội có thể luận tội các thành viên của chính phủ nếu hành vi của họ được tuyên bố là vi phạm hiến pháp. Nếu một nghi phạm bị tuyên bố là có tội, Quốc hội có quyền loại bỏ người này khỏi chính phủ. Sau cuộc bầu cử năm 2017, tổng cộng chín đảng có đại diện trong Quốc hội: Đảng Lao động (49 đại diện), Đảng Bảo thủ (45), Đảng Tiến bộ (27), Đảng Trung tâm (19), Đảng Cánh tả Xã hội (11), Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (8), Đảng Tự do (8), Đảng Xanh (1) và Đảng Đỏ (1).

Vị trí thủ tướng, người đứng đầu chính phủ Na Uy, được trao cho một thành viên của Quốc hội, người nhận được sự tín nhiệm của đa số thành viên trong Quốc hội, thông thường thì thủ tướng là lãnh đạo của đảng chính trị lớn nhất hoặc thủ lĩnh của liên minh đảng phái giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc gia. Một đảng duy nhất thường không có đủ ghế trong Quốc hội để tự mình thành lập chính phủ. Na Uy thường được điều hành bởi các chính phủ thiểu số, được hình thành từ một liên minh đảng phái có chung tư tưởng chính trị.

Thủ tướng là người chỉ định các thành viên của nội các, theo truyền thống thì các thành viên của nội các chính là các thành viên của cùng một đảng chính trị với thủ tướng hoặc là thành viên của một đảng nằm trong liên minh thành lập chính phủ. Thủ tướng thực thi quyền lực của mình theo Hiến pháp.[29] Trước đây, Thủ tướng phải có hơn một nửa số thành viên trong nội các của mình là thành viên của Giáo hội Na Uy, nghĩa là ít nhất mười trong số 19 bộ trưởng của Na Uy phải là thành viên của Giáo hội. Quy định này đã được bãi bỏ vào năm 2012.

Thông qua Hội đồng Nhà nước, một Viện cơ mật do quốc vương chủ trì, thủ tướng và nội các họp tại Cung điện Hoàng gia và chính thức hỏi ý kiến Quốc vương. Tất cả các dự luật của chính phủ cần sự chấp thuận chính thức của Quốc vương trước và sau khi trình bày với Quốc hội thì mới có thể thành luật. Tuy vậy việc ban hành luật đều đã được chính phủ và quốc hội nhất trí với nhau từ trước, Viện cơ mật chỉ mang tính chất tượng trưng thể hiện quyền lực của nhà vua mà thôi.[26]

Cung điện Hoàng gia Na Uy tại Oslo.

Cơ quan lập pháp và hành pháp

Trước đây, Quốc hội Na Uy (Storting) gồm 2 viện: Lagting (tương đương Thượng viện) và Odelsting (tương đương Hạ viện). Kể từ năm 2009, Quốc hội Na Uy bỏ việc phân chia Quốc hội thành Thương viện và Hạ viện và theo chế độ một viện (unicameral) với 169 nghị sĩ, nhiệm kỳ 4 năm.

Chế độ bầu cử của Na Uy dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu kín, bầu trực tiếp và theo tỷ lệ. Cả nước có 19 đơn vị bầu cử. Những người chưa có quốc tịch Na Uy thì được quyền tham gia bầu cử ở địa phương, nếu đến ngày bầu cử họ đã sống liên tục ở Na Uy được 3 năm và đáp ứng các điều kiện chung về bầu cử.

Các thành viên của Storting được bầu trực tiếp theo cơ chế đại diện tỷ lệ tại mười chín khu vực bầu cử trên cả nước trong một hệ thống đa đảng quốc gia.[30] Trong lịch sử, cả Đảng Lao động (thiên tả) và Đảng Bảo thủ (thiên hữu) đều đóng vai trò quan trọng đối với nền chính trị Na Uy. Vào đầu thế kỷ 21, Đảng Lao động đã nắm quyền sau cuộc bầu cử quốc gia năm 2005, trong một liên minh các đảng phái cánh tả được gọi là Liên minh Xanh- đỏ với hai đảng khác là Đảng Cánh tả Xã hội và Đảng Trung tâm.[31]

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2009, cả hai đảng cánh hữu lớn nhất là Đảng Bảo thủ và Đảng Tiến bộ đã giành được nhiều ghế trong Quốc hội, nhưng vẫn không đủ để lật đổ liên minh Xanh-đỏ cầm quyền. Jens Stoltenberg, lãnh đạo đảng Lao động, tiếp tục dành đủ số phiếu cần thiết thông qua liên minh đa đảng của mình để tiếp tục làm Thủ tướng cho đến năm 2013.[32]

Trong cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 9 năm 2013, cử tri Na Uy đã chấm dứt tám năm cầm quyền của Đảng Lao động. Hai đảng cánh hữu là Đảng Bảo thủ và Đảng Tiến bộ đã giành được chiến thắng dựa trên lời hứa về việc cắt giảm thuế, chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, dịch vụ tốt hơn và quy định chặt chẽ hơn về nhập cư, hai đảng đã liên minh với nhau để thành lập nên một chính phủ cầm quyền. Erna Solberg trở thành thủ tướng, nữ thủ tướng thứ hai sau Brundtland và thủ tướng bảo thủ đầu tiên kể từ Syse. Solberg nói rằng chiến thắng của bà là "một chiến thắng bầu cử lịch sử của các đảng phái cánh hữu".[33]

Hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật

Na Uy sử dụng hệ thống Dân luật nơi luật pháp được tạo ra và sửa đổi bởi Quốc hội và được điều chỉnh thông qua các cơ quan tư pháp. Nó bao gồm Tòa án tối cao gồm 20 thẩm phán thường trực và một Chánh án, các tòa phúc thẩm, tòa án cấp thành phố và cấp quận, cùng với các hội đồng hòa giải.[34] Nhánh tư pháp độc lập với các nhánh hành pháp và lập pháp. Trong khi Thủ tướng là người bổ nhiệm các Thẩm phán Tòa án Tối cao, việc đề cử phải được Quốc hội phê chuẩn và phải chính thức được Quốc vương xác nhận. Thẩm phán của các tòa án cấp thấp hơn thường được Quốc vương chính thức bổ nhiệm theo lời khuyên của Thủ tướng.

Nhiệm vụ của Tòa án tối cao là điều chỉnh hệ thống tư pháp Na Uy, giải thích Hiến pháp và thực thi luật pháp được Quốc hội thông qua. Trong chức năng đánh giá tư pháp của mình, Tòa án tối cao giám sát các nhánh lập pháp và hành pháp để đảm bảo rằng hai nhánh này tuân thủ các quy định của pháp luật ban hành.[34]

Luật pháp được thi hành tại Na Uy bởi Cơ quan cảnh sát Na Uy. Đó là một cơ quan cảnh sát quốc gia thống nhất gồm 27 cơ quan cảnh sát cấp quận và một số cơ quan chuyên môn, chẳng hạn như Cơ quan điều tra và truy tố tội phạm kinh tế và môi trường, được gọi là Økokrim; và Cục điều tra tội phạm quốc gia, được gọi là Kripos, đứng đầu mỗi cơ quan là một cảnh sát trưởng. Sở cảnh sát được lãnh đạo bởi Tổng cục cảnh sát quốc gia, báo cáo cho Bộ Tư pháp và Cảnh sát. Tổng cục cảnh sát được lãnh đạo bởi một ủy viên cảnh sát quốc gia. Ngoại lệ duy nhất là Cơ quan An ninh Cảnh sát Na Uy.

Na Uy đã bãi bỏ án tử hình cho hầu hết các loại tội phạm thông thường vào năm 1902. Cơ quan lập pháp Na Uy đã bãi bỏ án tử hình đối với tội phản quốc trong chiến tranh và hành vi gây ra tội ác chiến tranh vào năm 1979. Trong Chỉ số Tự do báo chí toàn cầu năm 2007, Na Uy được xếp ở vị trí đầu tiên (cùng với Iceland) trong tổng số 169 quốc gia.[35]

Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý và thể chế ở Na Uy được đặc trưng bởi mức độ minh bạch, trách nhiệm và tính toàn vẹn cao, và sự xuất hiện của tham nhũng là rất ít.[36]

Các nhà tù Na Uy nổi tiếng bởi sự nhân đạo, nhấn mạnh vào việc cải tạo phạm nhân hơn là trừng phạt họ. Ở mức 20%, tỷ lệ tái kết án của Na Uy thuộc loại thấp nhất thế giới.[37]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Na_Uy http://www.issuesmagazine.com.au/article/issue-jun... http://www.acea.be/statistics/tag/category/share-o... http://www12.statcan.gc.ca/nhs-enm/2011/dp-pd/dt-t... http://www.123independenceday.com/norway/political... http://www.atkearney.com/main.taf?p=5,4,1,116 http://edition.cnn.com/2016/06/08/europe/norway-de... http://www.economist.com/displaystory.cfm?story_id... http://www.economist.com/theworldin/international/... http://www.eiu.com/democracy2016 http://www.huffingtonpost.com/2010/12/14/worlds-to...